Từ mục đích ban đầu phục vụ quân đội, với nhiều ưu điểm vượt trội, kính phi công trở thành biểu tượng của thời trang.
Trong lịch sử, kính aviator (hay còn gọi là kính phi công, kính chuồn chuồn…) được làng mốt tôn vinh như một huyền thoại trong tất cả dòng kính mát. Hiếm có một phụ kiện thời trang nào trường tồn qua nhiều thập kỷ và không thay đổi nhiều về hình dáng mà vẫn khiến tín đồ thời trang phát cuồng như kính aviator.
Nguồn gốc ra đời chiếc kính biểu tượng này bắt nguồn từ chuyến bay thử của Trung úy John Arthur Macready thuộc lực lượng không quân Mỹ. Trong cả hành trình bay, Macready thấy mắt mình rất khó chịu vì bị phơi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời. Trở về, ông đã liên lạc với Bausch & Lomb – công ty chuyển sản xuất mắt kính ở Mỹ (sau này “ông trùm sản xuất kính” – tập đoàn Luxottica – thâu tóm công ty này) để thiết kế một mẫu kính mát vừa thanh lịch nhưng đảm bảo chức năng bảo vệ tốt cho mắt.
Theo lời yêu cầu của John Arthur Macready, ngày 7/5/1937, Bausch & Lomb giới thiệu cho đội phi công thuộc không quân Mỹ mẫu kính chuồn chuồn đầu tiên mang tên Anti-Glare dưới sự bảo hộ của thương hiệu Ray-Ban. Nhưng phải tới Thế chiến II, kính aviator mới thực sự nổi tiếng khi các phi công lái máy bay chiến đấu sử dụng thường xuyên.
Năm 1942, hình ảnh Tướng Douglas MacArthur của quân đội Mỹ đeo kính phi công hạ cánh xuống bãi biển ở Philippines xuất hiện rầm rộ trên các bìa báo khắp thế giới, biến chiếc kính này trở thành hiện tượng trên bản đồ thời trang.
Kính aviator dùng cho phi công thuở trước. |
Kính phi công được ưa chuộng vượt thời gian nhờ khả năng bảo vệ mắt vượt trội, phù hợp nhiều người dùng, phom dáng không bao giờ lỗi mốt.
Tính năng chống lóa kinh điển đã biến kính phi công dần trở thành món đồ yêu thích của mọi tầng lớp xã hội khi họ tham gia các hoạt động ngoài trời, từ giai cấp lao động như các ngư dân, thợ săn cho tới giới nhà giàu trên những sân golf.
Chiếc kính Ray-Ban Shooter năm 1938 với hai phiên bản mắt màu xanh lục và vàng nhạt, thiết kế sắc sảo cùng chức năng lọc riêng ánh sáng xanh, là lựa chọn hoàn hảo trong điều kiện thời tiết sương mù, bụi bặm và được các tay súng đặc biệt ưa chuộng. Tiếp sau đó, chiếc kính Ray-Ban Outdoorsman ra đời năm 1939 nhắm đến các khách hàng là thợ săn và ngư dân… với bộ lọc ánh sáng được nâng cấp. Những năm 1940, phiên bản ưu việt hơn với lớp phủ màu bảo vệ tròng kính trên tiếp tục được trình làng. Phần tròng dưới giữ nguyên màu nhạt để các phi công khi nhìn xuống vẫn thấy rõ bảng điều khiển máy bay.
Gọng thiết kế với kim loại mạ vàng, mảnh và siêu nhẹ, chỉ nặng 150 g. Phần khấc đỡ mũi có 2-3 mảnh kim loại uốn cong gọi là “lỗ đạn”. Tròng kính hình giọt nước với độ rộng bao phủ được hết vùng mắt. Mắt kính chế tác từ thủy tinh cường lực màu xanh lá đậm (mã số G-15), với bề mặt cong lồi phủ nhiều lớp bảo vệ, chỉ cho 15% ánh sáng đi qua. Nhờ vậy kính phi công có khả năng chống tia cực tím và tia hồng ngoại từ ánh nắng mặt trời hữu hiệu.
So với loại kính bảo hộ trước đây, trong giai đoạn giữa thế kỷ 20, kính aviator là lựa chọn hoàn hảo của mọi đối tượng người dùng, giúp bảo vệ đôi mắt khỏi tác động của tia tử ngoại, tránh đau đầu và giảm sự cố mất tầm nhìn do lóa sáng.
Tướng Douglas MacArthur với chiếc kính phi công trở thành hình ảnh đáng nhớ trong lịch sử thời trang thế giới. |
Không chỉ có chức năng vượt trội, kính phi công được lòng nhiều người bởi kiểu dáng phù hợp với mọi khuôn mặt, trang phục, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Thiết kế gọng rộng với hai tròng mắt lớn của kính giúp người đeo trở nên sành điệu hơn. Chúng tạo nên vẻ lạnh lùng thời thượng cho các cô gái khi đi dạo phố, sự lãng tử và bí ẩn của các chàng trai trong mọi bộ đồ.
Sự lăng xê và yêu chuộng của những ngôi sao cũng giúp loại kính này trở thành phụ kiện thời trang kinh điển.
Nhờ sự phát triển như vũ bão của âm nhạc, điện ảnh những năm 1960, mẫu kính phi công một thời nhanh chóng vượt biên giới Mỹ để đến với thị trường châu Âu và châu Á.
Năm 1956, khi thương hiệu Ray-Ban cho chạy quảng cáo mẫu kính, một loạt sao Hollywood phát cuồng vì món đồ này. Cặp kính phi công xuất hiện trên gương mặt của hàng loạt nhạc sĩ và ngôi sao ca nhạc lừng danh từ Jim Morrison, Lou Reed, Iggy Pop cho đến Paul McCartney, Ringo Starr… Không chỉ cánh mày râu mà ngay cả nữ giới cũng mạnh dạn gắn bó với phụ kiện này.
Nếu chọn một đại diện xuất sắc trong việc lăng xê mẫu kính phi công, đó không ai khác ngoài Michael Jackson. Chiếc kính đã cùng “ông hoàng nhạc Pop” tạo nên phong cách thời trang tiêu biểu trong suốt hai thập niên 1980 và 1990. Hình ảnh cố nghệ sĩ khoe cặp kính aviator bóng loáng ngay tại lễ trao giải Grammy 1984 cũng là một trong những khoảnh khắc khó quên của làng thời trang thế giới.
Hình ảnh Michael Jackson tại Grammy 1984 (trên) với chiếc kính phi công gắn liền với phong cách thời trang của ông và Tom Cruise trong “Top Gun”. |
Chưa hết, bộ phim Top Gun và Cobra (1986) của tài tử Tom Cruise và Sylvester Stallone như một dấu son cho thời kỳ nổi dậy của dòng kính. Đến nay, hàng chục siêu phẩm điện ảnh toàn cầu có sự góp mặt của dòng kính phi công như: The Hangover (2009), Drive (2011), Quantum of Solace (2008) và Skyfall (2012)…
Theo chân các ngôi sao và người nổi tiếng, kính phi công giữ vững vị trí là món phụ kiện thời trang sành điệu không thể thiếu trong gần 80 năm qua. Hiện tại, tuy không còn sử dụng trong chiến đấu vì đã có kính chuyên dụng thay thế cho phi công, kính aviator cũng vẫn là một biểu tượng thời trang của không quân Mỹ, thường xuất hiện trong mỗi dịp kỷ niệm quân đội.
Ngày nay, kính phi công được nâng cấp với nhiều phiên bản màu sắc, tròng kính nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ điển ban đầu. Thậm chí, nhiều thương hiệu đối thủ từ bình dân như Polo, Maui Jim, Serengeti, Persol đến cao cấp như Gucci, Burberry, Dolce & Gabbana cũng “học lỏm” về phom dáng thiết kế của aviator. Năm 2013, loại kính này ra mắt phiên bản gọng vàng 18 carat.
Sao Mai