Khác với giá trị nguyên bản trước đây, Quả bóng vàng FIFA ngày càng gây tranh cãi khi nó không thể hiện được giá trị tôn vinh đích thực mà sặc mùi tiền bạc và truyền thông.
Khi Gazzetta dello Sport (Italy) và Marca, Mundo Deportivo (cùng Tây Ban Nha) đăng tải danh sách 59 ứng viên cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2015, người hâm mộ thấy vắng Gianluigi Buffon nhưng lại có David Ospina. Tương tự, thiếu vắng David Silva, Xabi Alonso nhưng xuất hiện Massimo Luongo và Shinji Okazaki… Điều lạ lùng này đã đặt ra câu hỏi, vậy rốt cuộc tiêu chuẩn bình bầu Quả bóng vàng FIFA là như thế nào?
Năm 1956, giải thưởng Ballon d’Or – Quả Bóng Vàng châu Âu ra đời. “Cha đẻ” của nó là nhà báo huyền thoại, cũng là người sáng lập ra Cup C1 – Tổng biên tập tạp chí France Football Gabriel Hanot. Năm 1991, Liên đoàn bóng đá thế giới cho ra đời danh hiệu Cầu thủ hay nhất năm của FIFA. Và cùng với Quả bóng vàng, đó là danh hiệu cá nhân cao quý nhất của làng túc cầu, thứ mà mọi cầu thủ đều ước mơ có được một lần trong kiếp quần đùi áo số.
Cái thời mà Quả bóng vàng nguyên bản của France Football chỉ được trao cho những cái tên xứng đáng, có thành tích tập thể ấn tượng như Fabio Cannavaro (2006) đã lùi vào dĩ vãng. Ảnh: Reuters. |
Tính từ năm 1991, có đến 12 trường hợp người về nhất ở danh hiệu Cầu thủ hay nhất năm của FIFA cũng về nhất ở cuộc đua tranh Quả bóng vàng châu Âu. Đặc biệt trong năm năm liên tục từ 2005 đến 2009, hai danh hiệu này thường được trao cho một cầu thủ, lần lượt là Ronaldinho (2005), Fabio Cannavaro (2006), Kaka (2007), Cristiano Ronaldo (2008), Lionel Messi (2009). Điều này đã dẫn đến một quyết định được ký kết tại Johannesburg (Nam Phi) ngày 5/7 giữa FIFA và tạp chí France Football, danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu và danh hiệu Cầu thủ hay nhất thế giới sẽ gộp chung làm một, và được đổi tên thành Quả bóng vàng FIFA.
Kể từ hôm đó, những tranh cãi bất tận ra đời. Mùa giải 2009-2010, Inter của Jose Mourinho giành cú ăn ba lịch sử (Scudetto, Cup Italy và Champions League). Hạt nhân của thành công đó là nhạc trưởng Wesley Sneijder. Hai tháng sau vinh quang của cú ăn ba, vẫn là Sneijder, với năm bàn, đưa Hà Lan vào trận chung kết World Cup 2010. Nhưng người giành Quả bóng vàng FIFA trong năm đầu tiên hợp nhất là Lionel Messi, cầu thủ thất bại thê thảm ở World Cup 2010, thậm chí không ghi nổi một bàn nào. Messi cũng là bại tướng của chính Sneijder, khi tiền vệ người Hà Lan cùng Inter đi trên con đường chinh phục cú ăn ba.
Người hâm mộ khi đó không tìm ra được lý lẽ nào để cho thấy Messi hơn Sneijder, trừ một chuyện. Trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, ba tháng nước rút cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA, Messi ghi bàn liên tục, còn Inter sa sút nặng nề sau sự ra đi của Mourinho. Nhưng về nguyên tắc Quả bóng vàng FIFA là danh hiệu dành cho một mùa giải, chứ không phải là một vài tháng. Và một cú ăn ba vĩ đại rõ ràng giá trị hơn rất nhiều so với những bàn thắng.
Một cuộc kiểm phiếu riêng biệt được thực hiện, và có đáp án. Sneijder nhận được nhiều phiếu nhất từ các nhà báo, nhưng không thắng nổi Messi khi tính thêm phiếu từ đội trưởng và HLV các tuyển quốc gia. Cần phải hiểu rằng, giải thưởng Quả bóng vàng nguyên gốc được tổ chức bởi France Football do các nhà báo bình chọn. Do đó, nếu nó được giữ nguyên, không hợp nhất với giải của FIFA, Sneijder đã được vinh danh.
Sneijder chỉ là nạn nhân đầu tiên của sự hợp nhất này. Ba năm sau, đến lượt Franck Ribery chấp nhận thất bại trước Cristiano Ronaldo, dù cho 80 nhà báo quốc tế chọn cầu thủ của Bayern Munich là cầu thủ hay nhất, còn Ronaldo chỉ được 48 phiếu, Messi đứng cuối với 35 phiếu. Nhưng kết quả của Quả bóng vàng FIFA khi có thêm đội trưởng và các HLV thì Ronaldo lại đứng thứ nhất, Messi đứng thứ hai còn Ribery xếp thứ ba.
Sneijder đánh bại Messi, cùng Inter đoạt cú ăn ba, cùng Hà Lan vào chung kết chung kết World Cup 2010, nhưng vẫn phải ngậm ngùi nhìn Messi ẵm Quả Bóng Vàng FIFA. Ảnh: AFP. |
Sự hợp nhất đã tạo ra tranh cãi, và bất công cho những người như Ribery và Sneijder. Nếu không có sự hợp nhất, thì ít ra Quả bóng vàng đã khắc tên họ trên bảng vàng chứ không phải chỉ là cơn gió thoảng qua trong dòng chảy của lịch sử, sẽ là một hình tượng thực sự chứ không phải là bước đệm cho Messi và Ronaldo đứng trên vũ đài. Ribery và Sneijder là những nạn nhân trực tiếp của hội chứng “Messi và Ronaldo”. Còn gián tiếp thì rất nhiều.
Đó là Andrea Pirlo của năm 2012, thiên tài người Italy ấy rời AC Milan chuyển đến Juventus và lập tức trở thành linh hồn đưa “Bà Đầm Già” thành Turin đứng dậy sau Calciopoli, giành Scudetto bằng một mùa giải bất bại. Cũng chính anh trong năm ấy, đưa đội tuyển Italy thiếu thốn nhân tài nhất 20 năm qua vào chung kết Euro 2012. Ba năm sau đến lượt đồng đội Buffon, người đội trưởng đưa Juventus vào chung kết Champions League. Tài năng và ảnh hưởng của Buffon khiến cho Chủ tịch danh dự của Barcelona là Johan Cruyff thẳng thắn thừa nhận: “Buffon xứng đáng giành Quả bóng vàng hơn Messi”. Nhưng, anh thậm chí còn chẳng có tên trong danh sách đề cử.
Danh hiệu Quả bóng vàng trước kia đánh giá rất cao những người vô địch World Cup hay Euro nhưng bây giờ thì đã hết. Vào các năm 2010, 2012 những Xavi, Iniesta, Iker Cassillas chấp nhận đứng sau Messi. Năm 2014, đội tuyển Đức vô địch ở World Cup với một cái tên xuất sắc là Toni Kroos. Những gì mà tiền vệ người Đông Đức làm được trên đất Brazil không khác gì cái cách mà “libero cuối cùng” Matthias Sammer đã làm cho nước Đức năm 1996. Khi ấy Đức vô địch Euro 1996, còn Sammer giành Quả bóng vàng. Nhưng Toni Kroos của 18 năm sau thậm chí chẳng có nổi một vị trí ở top ba. Còn Manuel Neuer khi vừa được xướng tên trong top ba, người ta đã đoán được kết quả. Chuyện gì đang xảy ra khi mà giải đấu như World Cup cũng không còn ý nghĩa ở Zurich, Thụy Sĩ (trụ sở FIFA)? Bởi vì đơn giản, danh hiệu Quả bóng vàng FIFA thực ra từ lâu đã trở thành một cuộc chiến truyền thông. Mà ở vị trí truyền thông ấy, còn ai đáng giá hơn Ronaldo và Messi?
Quả bóng vàng FIFA là mặt trận ganh đua giữa những cầu thủ là linh hồn ở thành tích tập thể, và cầu thủ với một thành tích cá nhân phi thường. Suốt năm năm qua, thành tích cá nhân phi thường của Messi và Ronaldo đã đè bẹp hết những linh hồn tập thể. Nhưng điều khiến cặp đôi này chiến thắng, bất chấp có những khi thành tích ghi bàn của họ quá nhỏ bé khi đặt cạnh các chiến tích vĩ đại khác, là còn bởi sức ảnh hưởng về truyền thông của Messi và Ronaldo đã phủ bóng lên tất cả. FIFA đã tạo ra một vương triều của riêng Messi và Ronaldo trên mọi phương tiện truyền thông, đưa họ lên một tầm vóc mới và đẩy những quy tắc cũ trở nên thứ yếu, biến họ thành hai thần tượng lớn lao mà mọi sự tranh cãi ai hơn ai của người hâm mộ cũng chỉ là nạn nhân của một chiến lược.
Đương nhiên Messi và Ronaldo xuất sắc không ai phủ nhận, cuộc ganh đua giữa họ cũng là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử. Nhưng thế giới bóng đá nào chỉ có từng đó, bóng đá còn có vinh quang cho những tập thể, với World Cup hay Euro là niềm tự hào của một dân tộc. Bóng đá còn là cuộc chơi đẳng cấp của những con người thầm lặng, những tay đạo diễn thế trận, những pha bắt bóng thiên tài của thủ môn và những pha cản phá xuất sắc của các hậu vệ. Cho nên danh hiệu Quả bóng vàng FIFA lẽ ra cũng phải là hội tụ của những cái đẹp đó, chứ không phải là sự lãng quên đối với những cầu thủ đã cống hiến thầm lặng để tập thể chiến thắng, mà chỉ tôn vinh những bàn thắng của Messi, Ronaldo.
Cuộc đua tranh Quả Bóng Vàng FIFA đang trở thành cuộc chơi của những ngôi sao cá nhân, thay vì tôn vinh những biểu tượng tập thể. |
Dẫu sao, người hâm mộ đều có cho riêng họ những quả bóng vàng của trái tim, nơi ấy luôn công bằng, và luôn rộng rãi để có chỗ cho Buffon, Pirlo, Casillas, Ribery, Neuer… dù rằng luôn có uẩn ức. FIFA, trong cơn xoáy kim tiền khổng lồ, đã biến mọi thứ trở nên sặc mùi tiền bạc, biến danh hiệu cao quý nhất của một cầu thủ thành một cuộc chơi của truyền thông. Người hâm mộ yêu cầu FIFA cải tổ, nhưng trước khi làm điều lớn lao hơn, hãy làm từ chính điều nhỏ nhặt – mà một trong những điều đó là đưa giá trị của Quả bóng vàng trở lại cái nguyên thủy của nó. Một giá trị từng có chỗ cho những con người của tập thể.
Dũng Phan